Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay, hay còn gọi là "hội chứng khuỷu tay quần vợt" là một dạng tổn thương phổ biến khiến người bệnh gặp khó khăn khi cử động, gập duỗi khuỷu tay hoặc đau đớn cả khi mặc quần áo, khi vòng tay ra sau,... Tìm hiểu ngay nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị viêm điểm bám gân, kịp thời ngăn chặn biến chứng về vận động!
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay là bệnh gì?
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay là tình trạng viêm xảy ra ở khu vực gân bám vào lồi cầu ngoài khuỷu tay, gây ra bởi các hoạt động liên tục hoặc áp lực lớn lên khuỷu tay. Bệnh này còn được gọi là "khuỷu tay quần vợt" vì hay gặp ở người chơi thể thao, đặc biệt là quần vợt hoặc golf. Tuy nhiên trên thực tế, những ai làm việc cần vận động tay nhiều như thợ mộc, đầu bếp cũng dễ mắc phải.
Vị trí điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay
Dù viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài không đe dọa tính mạng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây đau dai dẳng, suy giảm chức năng của tay và ảnh hưởng đến khả năng làm việc, tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Viêm gân kéo dài có nguy cơ dẫn đến tổn thương gân và khớp vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay
Một số yếu tố chính gây viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay bao gồm:
- Cử động lặp đi lặp lại: Bệnh lý thường bắt nguồn từ việc sử dụng quá mức cơ và gân tại khuỷu tay trong thời gian dài. Những hoạt động sử dụng tay liên tục như: đánh vợt, nâng đồ vật,... tạo ra áp lực lớn lên gân khuỷu tay, dẫn đến viêm và đau.
- Căng thẳng kéo dài trên gân: Các môn thể thao như quần vợt hoặc golf, hoặc công việc đòi hỏi cầm nắm vật nặng thường xuyên, có thể gây căng thẳng kéo dài lên gân tại khuỷu tay.
- Chấn thương vi mô tích tụ: Việc sử dụng sai cách hoặc cử động quá mạnh có thể gây ra những tổn thương nhỏ liên tục tại điểm bám gân, khiến gân bị viêm theo thời gian.
- Yếu tố tuổi tác: Khi tuổi tác tăng, độ bền và tính đàn hồi của gân giảm dần, làm tăng nguy cơ viêm và tổn thương, đặc biệt ở người trên 40 tuổi.
Triệu chứng của viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay
Những triệu chứng của viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương khuỷu tay khá dễ nhận biết, người bệnh có thể cảm nhận rõ ràng các dấu hiệu sau:
Bệnh nhân viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay thường có biểu hiện đau đớn, khó vận động khớp khuỷu tay
- Đau nhức ở mặt ngoài khuỷu tay, đặc biệt khi cầm nắm đồ vật, xoay cổ tay hoặc thực hiện động tác nâng lên. Ban đầu, cơn đau có thể nhẹ nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không điều trị.
- Đau có xu hướng lan xuống cẳng tay, làm người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày như mở nắp chai, vặn khóa cửa hoặc thậm chí là bắt tay.
- Yếu lực cầm nắm, dễ làm rơi đồ hoặc cảm thấy mất lực khi thực hiện các động tác cần sức mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy các cơ và gân ở khuỷu tay đã bị tổn thương.
- Cứng và hạn chế vận động khuỷu tay, khiến việc duỗi thẳng hoặc gập tay trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và công việc.
Những triệu chứng này thường xuất hiện từ từ nhưng sẽ tăng dần và rõ rệt hơn theo thời gian.
Có thể bạn quan tâm:
Phương pháp điều trị viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay
Việc điều trị viêm gân thường bắt đầu với các liệu pháp bảo tồn, tập trung vào giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Trong trường hợp triệu chứng nặng, bác sĩ có thể cân nhắc đến phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
- Nghỉ ngơi và hạn chế vận động: Nghỉ ngơi là phương pháp cơ bản nhất, giúp giảm tải áp lực lên gân bị viêm. Việc thay đổi hoặc giảm hoạt động giúp gân có thời gian hồi phục tự nhiên.
- Chườm nóng/ lạnh: Trong 48 giờ đầu tiên, chườm lạnh có tác dụng giảm sưng và đau, làm co mạch máu, hạn chế viêm lan rộng. Sau giai đoạn cấp, chườm nóng sẽ giúp giãn cơ và gân, tăng tuần hoàn máu và giảm cứng khớp.
- Dùng thuốc chống viêm: Sử dụng thuốc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ giúp giảm viêm và giảm đau bằng cách ức chế các enzyme COX, từ đó làm giảm sản xuất các chất gây viêm trong cơ thể.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu cũng bao gồm các kỹ thuật như sử dụng laser, sóng xung kích, từ trường,... kích thích vào điểm bám của gân, tái lập tuần hoàn máu để tăng cường sức mạnh của cơ và gân.
- Các bài tập phục hồi chức năng: Những bài tập giãn cơ, tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt cho khuỷu tay giúp phục hồi khả năng vận động và ngăn ngừa tái phát.
- Tiêm Corticoid: Corticoid giúp giảm viêm nhanh chóng tại chỗ, tuy nhiên chỉ nên thực hiện dưới chỉ định của bác sĩ và hạn chế lạm dụng (do Corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ nếu sử dụng quá nhiều).
- Tiêm chất nhờn: Tiêm chất nhờn Acid Hyaluronic là một phương pháp điều trị nhằm bôi trơn và giảm ma sát giữa các mô, giúp giảm đau và cải thiện chức năng gân hoặc khớp.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP: Đây là giải pháp tiến bộ mới trên thế giới, sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân của chính bệnh nhân để tiêm vào vùng gân bị tổn thương. Phương pháp này giúp tăng cường quá trình hồi phục tự nhiên của gân và mô mềm, an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ, giúp người bệnh hạn chế được việc phải sử dụng thuốc hay can thiệp xâm lấn.
Bệnh nhân điều trị viêm gân bằng tiêm PRP hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn, phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được xem xét. Phẫu thuật nhằm loại bỏ phần gân bị tổn thương, đặc biệt là các trường hợp đứt gân bán phần hoặc đứt gân toàn phần, giúp giảm đau và cải thiện chức năng của khuỷu tay.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc liên tục cập nhật và làm chủ các phương pháp điều trị bảo tồn hiện đại đối với bệnh lý viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay, bao gồm: tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP, tiêm chất nhờn, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, phẫu thuật,... Trong đó, tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tối ưu nhất, hạn chế can thiệp xâm lấn, giúp người bệnh nhanh chóng kiểm soát cơn đau, chữa lành gân tổn thương và khôi phục tầm vận động. Từ đó, ngăn ngừa các biến chứng đứt gân, rách gân hoặc mất khả năng vận động.
Khi xuất hiện các triệu chứng viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài khuỷu tay, quý khách hàng vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - hotline 0889621046 để được hỗ trợ kịp thời!
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: