Nguyên nhân bệnh tim mạch và cách phòng tránh hiệu quả

Nguyên nhân bệnh tim mạch và cách phòng tránh hiệu quả

19-06-2023

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao vào loại bậc nhất. Nguyên nhân bệnh tim mạch là do đâu? Cách phòng tránh như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong khuôn khổ bài viết này.

Tác hại của bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là biểu hiện của trái tim hoặc các mạch máu nuôi tim có vấn đề, khiến chức năng làm việc của tim giảm sút,  không đủ bơm máu đi nuôi các bộ phận khác. Từ đó, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị ngưng trệ, lâu dần sẽ phá hủy từng bộ phận, dẫn đến tử vong. 

Tùy vào từng loại bệnh tim cụ thể và mức độ nặng nhẹ khác nhau mà có những hậu quả khác nhau. Nhẹ thì có thể gây chóng mặt, nhức đầu, khó thở,... ảnh hưởng đến chất lượng sống; về lâu dài nếu không được điều trị, bệnh sẽ diễn biến tăng nặng và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...

Theo nhiều thống kê, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, số người chết do bệnh tim chiếm tỷ trọng cao hơn bất kỳ một nguyên nhân nào khác. Ở Việt Nam, trong năm 2016, số ca tử vong do bệnh tim chiếm đến 31% trên tổng các ca tử vong. 

Điều này cho thấy, rất cần phải nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tim mạch, tác hại, nguyên nhân và cách phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa tỉ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến bệnh tim mạch.

nguyen nhan benh tim mach Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Nguyên nhân bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch có 2 loại:

Bệnh lý tim bẩm sinh

Là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và không biến mất sau khi trẻ được sinh ra. Khi một vài cấu trúc tim bị khuyết, chức năng và hoạt động của tim sẽ bị ảnh hưởng, tùy vào từng loại dị tật và mức độ dị tật mà có ảnh hưởng nhiều hay ít đến cuộc sống của người bệnh.

Bệnh lý tim bẩm sinh là dị tật phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số những bệnh lý bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, các bệnh lý về dị tật tim có thể được phát hiện sớm trong quá trình siêu âm theo dõi thai kỳ. 

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý tim bẩm sinh:

  • Yếu tố di truyền:

Di truyền được xem là lý do lớn nhất hình thành dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là dị tật tim. Trong gia đình, có bố mẹ hoặc bất kỳ người thân nào mắc bệnh tim bẩm sinh thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ở một số trường hợp, cả bố và mẹ đều không mang bệnh nhưng cả 2 đều có gen bệnh thì con sinh ra vẫn có nguy cơ cao mắc tim bẩm sinh.

  • Nhiễm độc hoặc mắc bệnh trong giai đoạn thai kỳ:

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu mẹ nhiễm các loại virus như Rubella, Herpes,... mẹ mắc chứng lupus ban đỏ, tiểu đường,... thì con có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh lý bẩm sinh, trong đó có dị tật tim.

Mẹ sống trong môi trường độc hại hoặc thường xuyên tiếp xúc với các tia X-quang, nguy cơ nhiễm độc thai kỳ cao, thai nhi cũng dễ mắc các dị tật bẩm sinh.

Hay những trường hợp mẹ bầu thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá và các loại chất kích thích, cũng như sử dụng một vài loại thuốc điều trị bệnh sinh ra trẻ có nguy cơ mắc các dị tật cao.

benh tim Nhiều trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim mắc phải

Là những bệnh lý liên quan đến tim mà không phải do bệnh lý tim bẩm sinh. Nguyên nhân gây ra các bệnh lý tim mạch thường do thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh như thường xuyên hút thuốc, ít vận động, căng thẳng thường xuyên, ăn nhiều chất béo, thường xuyên uống rượu bia, béo phì, ăn nhiều muối, đái tháo đường, tăng cholesterol... hoặc do biến chứng của một loại bệnh mạn tính nào đó. Những nguyên nhân này rất thường gặp ở đối tượng nam giới, đặc biệt là độ tuổi trung niên.

Tuy nhiên, ngày nay, do nhiều yếu tố, chế độ sinh hoạt, ăn uống của nhiều người trẻ kém lành mạnh, khoa học. Điều này khiến cho các bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, nhiều người mới chỉ ngoài 20 cũng đã bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh mà trước đây chỉ xảy ra ở người già, trung niên.

Các bệnh lý tim mạch mắc phải phổ biến:

Bệnh động mạch vành là tình trạng tích tụ những mảng xơ vữa hoặc Cholesterol lên thành động mạch khiến lòng động mạch bị hẹp, giảm khả năng lưu thông máu, hạn chế việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác trên cơ thể. 

Những mảng xơ vữa tích tụ ngày càng dày thêm khiến chức năng của tim ngày càng suy yếu. 

Triệu chứng của bệnh này không rõ ràng, thường người bệnh sẽ chỉ có cảm giác nặng ngực, đau thắt ngực khi gắng sức, vài trường hợp đau đầu, chóng mặt, khó thở.

Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, cần phải định kỳ kiểm tra sức khỏe. Thực hiện chế độ ăn khoa học và tập luyện thể thao mỗi ngày để gia tăng sức khỏe của tim, phòng ngừa tối đa bệnh động mạch vành nói riêng và các bệnh tim mạch khác.

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ: xảy ra khi tuần hoàn máu đến não bị gián đoạn, suy giảm nghiêm trọng gây thiếu oxy, dinh dưỡng cho các mô não khiến các tế bào não bị chết, mang lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, nặng có thể tử vong.

Các thể bệnh tai biến mạch máu não: co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não, xuất huyết não.

Triệu chứng của bệnh rất rõ ràng là các cơn đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu, hôn mê.

Có 2 nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Huyết áp cao: người bị cao huyết áp có nguy cơ bị tai biến rất cao, bởi khiến tăng áp lực máu lên thành mạch sẽ gây giãn, tổn thương thành mạch. Khi đó theo cơ chế hoạt động của cơ thể thì tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ được di chuyển đến để làm lành các xơ vữa và vô tình tạo thành các cục máu đông. Các cục máu đông này di chuyển trong thành mạch và dẫn đến não gây tắc nghẽn, khiến nhồi máu não.

  • Xơ vữa động mạch: hiện tượng xơ vữa động mạch khiến cho các mạch máu nhỏ dần, quá trình lưu thông máu bị cản trở. Và khi các mảng xơ vữa bong ra sẽ hình thành các cục máu đông.

Để hạn chế tai biến mạch máu não, cần phải kiểm soát tốt huyết áp và giảm thiểu xơ vữa động mạch, bằng một lối sống khoa học và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

bien chung benh tim Tai biến mạch máu não là bệnh tim mạch cực kỳ nguy hiểm

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): xảy ra khi mảng bám từ chất béo, cholesterol, canxi,... và các chất khác tích tụ trong các động mạch. Càng ngày các mảng bám càng cứng lại, gây hẹp động mạch

Viêm tắc động mạch ngoại vi gồm 2 thể:

  • Bệnh Buerger

    (viêm 3 lớp thành động mạch): xuất hiện ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), người nghiện thuốc lá nặng, bệnh kéo dài nhiều năm, 95% phải đoạn chi.

  • Viêm, tắc động mạch do xơ vữa động mạch:

    xảy ra ở người cao huyết áp, rối loạn chuyển mỡ máu.

Các triệu chứng ở bệnh động mạch ngoại biên cũng khá mơ hồ, như vài biểu hiện nhói đau bắp chân khi đi bộ và nhanh chóng khỏi sau 5-10 phút. Vài trường hợp có thể cảm thấy khó chịu, da xanh, lạnh da, xuất hiện những vết loét lâu lành,...

Bệnh van tim hậu thấp: là một loại bệnh tự miễn, do vi trùng Strepcoccus beta Hemolytique gây ra. 

Khi nhiễm bệnh, cơ thể tạo ra các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh, nhưng Strepcoccus beta Hemolytique có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim nên kháng thể không phân biệt được, tấn công làm tổn thương mô khớp và van tim, gây sưng, hẹp hở van tim do biến dạng, suy tim.

Bệnh thường xuất hiện nhiều ở phụ nữ trẻ, là biến chứng khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Bệnh phát triển âm thầm với các triệu chứng như viêm đa khớp, đau khớp, viêm tim, sốt, xuất hiện nốt dưới da,... 

Bệnh được chỉ định điều trị bằng kháng sinh để loại bỏ liên cầu khuẩn.

Phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực): đây là tình trạng động mạch chủ cung cấp máu cho các bộ phận trên cơ thể bị yếu và phình ra dẫn đến rách. Vết rách  thành động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Bệnh này có nguy cơ tử vong cao, lên tới 95% dù ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân vẫn là do tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch chủ, hoặc do chấn thương có nguy cơ phình động mạch chủ.

Bệnh cơ tim: xảy ra khi cơ tim suy yếu, không bơm đủ máu đi nuôi cơ thể. Bệnh dễ gây đột tử nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do sự xâm nhập của các loại siêu vi, nhất là siêu vi trùng Coxacki, do sử dụng một vài loại thuốc hoặc do hóa chất, tăng hormone tuyến giáp.

Người bị bệnh cơ tim giai đoạn đầu thường ít có triệu chứng, nhưng khi bệnh nặng lên người bệnh sẽ bị khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, phù chân,... 

Có thể phòng ngừa bệnh bằng thói quen sinh hoạt lành mạnh, tăng đề kháng. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện các kiểm tra chuyên sâu, để xác định và điều trị sớm, hạn chế biến chứng nặng nề.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh tim, người bệnh nên đi khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để theo dõi sức khỏe, dự phòng nguy cơ tai biến cũng như xử lý sớm khi có biến chứng xảy ra.

Đăng ký khám với chuyên gia tim mạch tại đây:

Cách phòng tránh bệnh tim mạch hiệu quả

Để phòng tránh và hạn chế sự phát triển tăng nặng của các bệnh liên quan đến tim mạch, ngoài việc cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, cần thường xuyên luyện tập thể thao và giữ một lối sống lành mạnh, phù hợp: 

  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không sử dụng chất kích thích

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo xấu, đường, ăn đủ nhóm chất để có một sức khỏe tốt nhất

  • Giữ cân nặng ở mức ổn định, không để tăng cân quá nhiều và quá nhanh, không để bị béo phì 

  • Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, lo lắng

Chuyên khoa Tim mạch - BVĐK Hồng Ngọc: Địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị các bệnh lý Tim mạch:

https://www.youtube.com/watch?v=lrAOYqzCnFw

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc

Đọc tiếp
Quay lại
Hỏi đáp Bác sĩ
Viết câu hỏi
Cơ sở chuyên khoa liên quan
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh
  • Số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: +(84-24) 7300 8866
Đặt lịch ngay
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Yên Ninh
  • Số 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc - Keangnam
  • Tầng 10, Keangnam Landmark 72, Phạm Hùng, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay
Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc - Kosmo Tây Hồ
  • Gian S20 và TMDV 2A + 2B, Tầng 1 và 2, tổ hợp chung cư, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco - Kosmo Tây Hồ, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: (+84-24) 3927 5568
Đặt lịch ngay