Đối tượng áp dụng tiêm thẩm phân rễ thần kinh cột sống
Chỉ định
Tiêm thẩm phân rễ thần kinh cột sống được áp dụng với bệnh nhân đau do thoát vị đĩa đệm đã điều trị nội khoa, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, y học cổ truyền… từ 3 tháng trở lên nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng hạn chế. Ngoài ra, phương pháp này có thể được chỉ định với bệnh nhân đau tái phát sau phẫu thuật đĩa đệm, cột sống.
Chống chỉ định
Nhiễm trùng tại cột sống và đĩa đệm, có biểu hiện sốt cao, đau, sưng tấy vùng cột sống và cạnh cột sống…
Nhiễm trùng da tại vùng tiêm.
Nhiễm trùng tại cơ quan khác: viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng tiêu hoá, nhiễm trùng ngoài da…
Có tiền sử dị ứng với thuốc tê hoặc thuốc cản quang.
Rối loạn đông máu nặng.
Ưu điểm của phương pháp tiêm thẩm phân rễ thần kinh cột sống
Đạt hiệu quả giảm đau tức thì và kéo dài do nồng độ thuốc tập trung tối đa tại vị trí rễ thần kinh bị chèn ép, bảo tồn cấu trúc đĩa đệm.
Không gây tổn thương các cơ quan lân cận nhờ sử dụng đầu kim siêu nhỏ xuyên qua da, đi thẳng vào khu vực có rễ thần kinh bị chèn ép, hạn chế tối đa xâm lấn, giảm tỷ lệ biến chứng sau can thiệp.
Hạn chế tối đa tác dụng phụ do thuốc được đưa vào chính xác vị trí rễ chèn ép thần kinh, không ảnh hưởng tới cơ quan và vị trí khác, ngăn nguy cơ mắc bệnh gan, dạ dày, tuyến thượng thận… do uống thuốc dài ngày.
Thủ thuật chỉ gây tê tại chỗ, không gây mê, an toàn với người cao tuổi và có bệnh lý nền.
Thời gian thực hiện thủ thuật chỉ khoảng 15 - 20 phút, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày
Quy trình tiêm thẩm phân rễ thần kinh cột sống
Trước khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân được khám sức khỏe tổng quát và chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X-quang/CT/MRI, đánh giá tình trạng bệnh… Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng, tình trạng dị ứng, đang có thai hay nghi ngờ có thai.
Tiêm thẩm phân rễ thần kinh cột sống có thể được thực hiện dưới hỗ trợ của máy cắt lớp vi tính, màn tăng sáng C-arm, máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Hiện tại, bệnh viện Hồng Ngọc đang áp dụng quy trình thực hiện can thiệp tại phòng thủ thuật vô khuẩn một chiều, tiêu chuẩn chất lượng cao với máy DSA hiện đại nhất hiện nay. Các trang thiết bị cần thiết khi thực hiện thủ thuật gồm
Hệ thống DSA giúp theo dõi và định vị đường đi của kim, xác định chính xác vị trí đĩa đệm thoát vị và rễ thần kinh bị chèn ép.
Thuốc gây tê lidocain và thuốc chống viêm corticoid
Thiết bị theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở…
Băng gạc, cồn sát trùng…
Quy trình tiêm thẩm phân rễ thần kinh được thực hiện với 5 bước sau:
Bước 1: Bệnh nhân được đặt nằm sấp trên bàn can thiệp của máy DSA, bác sĩ sẽ xác định đúng tầng cột sống thắt lưng và lỗ liên hợp dưới DSA.
Bước 2: Tiến hành sát khuẩn và gây tê vùng can thiệp
Bước 3: Chọc kim định vị dựa trên vị trí giải phẫu cột sống dưới hướng dẫn của màn chiếu máy DSA.
Bước 4: Bơm thuốc cản quang để kiểm tra hình ảnh thuốc lan theo đường đi của rễ thần kinh trên DSA.
Bước 5: Nếu thấy thuốc lan đúng theo đường đi của rễ thần kinh cần tiêm, hút áp lực âm không có máu, tiến hành bơm hỗn hợp thuốc tê và kháng viêm.
Bước 6: Rút kim và băng vị trí chọc.
Lưu ý sau tiêm thẩm phân rễ thần kinh cột sống
Sau tiêm thẩm phân rễ thần kinh vùng thắt lưng, bệnh nhân có thể tê chân 4-6 tiếng nên cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.
Ngay cả đã hết đau, bệnh nhân vẫn cần tập vật lý trị liệu, thể dục thể thao đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không mang vác vật nặng, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một tư thế, hoạt động sai tư thế.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học với thực phẩm giàu canxi, omega-3…, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, bia rượu và các đồ uống có cồn…