Rối loạn hành vi là bệnh gì?
Rối loạn hành vi (CD) là những bất thường về vấn đề hành vi và cảm xúc, khiến người bệnh có những hành vi trái ngược, phản nghịch với lẽ thường. Bệnh lý này thường khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên tới trẻ vị thành niên. Cũng có những trường hợp bệnh khởi phát ở trẻ em.
Rối loạn hành vi thường liên quan đến các vấn đề gây rối trong gia đình, trên trường và ngoài xã hội. Nếu không được điều trị từ sớm, các rối loạn có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng tới tương lai của người bệnh.
Rối loạn hành vi khiến trẻ em có thái độ bất cần, hành vi hung hãn vượt tầm kiểm soát
Triệu chứng của bệnh rối loạn hành vi
Người mắc rối loạn hành vi thường không thể kiểm soát các hành động bộc phát. Người bệnh cũng không tuân theo những sắp xếp hoặc các nguyên tắc đã được đặt ra.
Người bệnh đều không lường trước những hậu quả mà mình gây ra. Dưới đây là các triệu chứng mô tả người rối loạn hành vi:
- Hay cáu kỉnh, bực bội, hay nói dối
- Có tâm lý đổ thừa, đổ lỗi cho mọi người
- Hay tức giận, tranh cãi một vấn đề đến cùng
- Có hành vi hung hãn với xung quanh: đồ vật, con vật, mọi người
- Từ chối thỏa hiệp, từ chối tuân theo các quy tắc đã đặt ra
- Có các hành vi thách thức khi bị cấm đoán
- Có những hành động quá khích gây tổn hại tới bản thân
- Gặp khó khăn khi tiếp thu, diễn đạt thông tin
- Học kém, kém tiếp thu bài học, kém ghi nhớ
- Hay đổ lỗi cho hoàn cảnh/ cho những người xung quang vì hành vi mà mình gây ra
Tình trạng này có triệu chứng phức tạp, dễ nhầm lẫn với tâm lý chống đối ở tuổi dậy thì. Do vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi kĩ càng các triệu chứng. Nếu như tần suất các hành vi lặp lại dày đặc, thì cần thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây ra rối loạn hành vi
Rối loạn hành vi khởi phát bởi vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, các nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất là:
- Yếu tố sinh học: do di truyền, do giới tính, do sai lệch trong quá trình chuyển hóa,..
- Do chấn thương: các ngoại lực từ bên ngoài cũng gây tổn thương đến não, đến hệ thần kinh trung ương.
- Do tác động từ môi trường: trẻ có thể bị rối loạn hành vi do những tác động từ bên ngoài. Các yếu tố như: bị bạo hành, gặp biến cố ảnh hưởng tâm lý, gia đình phức tạp, chung sống không hạnh phúc,…
Rối loạn hành vi có lúc liên quan đến hội chứng tăng động giảm chú ý ADHD ở trẻ
Hậu quả từ rối loạn hành vi
Không những ảnh hưởng tới sức khỏe, hội chứng này còn gây hại tới mọi người xung quanh. Khi trẻ bộc phát hành vi phản nghịch, những người xung quanh sẽ gặp các ảnh hưởng từ đó.
- Gây hại đến bản thân: những hành vi nghịch ngợm bộc phát làm người bệnh không cảm nhận được mức độ nguy hiểm từ đó.
- Phát triển theo xu hướng bạo lực: hành vi thô bạo tác động đến các con vật, bạn bè, người thân.
- Không thể thích nghi với môi trường xung quanh: những hành động nghịch ngợm khiến mọi người chán ghét, xa lánh người bệnh.
- Tiến triển các hành vi vi phạm pháp luật sau này: hành vi gây gổ, chống đối người khác, vi phạm pháp luật trong tương lai.
Cách chẩn đoán rối loạn hành vi
Cách chẩn đoán rối loạn hành vi khá phức tạp bởi người bệnh có thể mắc đồng thời nhiều thể bệnh khác nhau. Ví dụ: một trẻ vị thành niên có các hành vi phạm pháp có thể mắc rối loạn hành vi (CD), kèm theo triệu chứng tăng động giảm chú ý (AHDH). Do vậy, cần có sự chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa trước khi kết luận về tình trạng bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán phù hợp cho hội chứng này là:
- Trao đổi về biểu hiện, tình trạng với bác sĩ chuyên khoa tâm lý tâm thần, bác sĩ nhi khoa,…
- Thực hiện bài test trắc nghiệm dành cho người rối loạn hành vi.
- Các chẩn đoán thêm từ việc quan sát hành vi – đáp ứng các tiêu chí về rối loạn hành vi gây rối trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
Ngoài ra khi thăm khám, bác sĩ sẽ loại trừ các yếu tố khiến người bệnh bị căng thẳng cấp tính (ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán). Ví dụ: hành vi của một đứa trẻ có thể thay đổi khi cha, mẹ bị bệnh. Đây cũng là một nguyên nhân cần xem xét.
Cách điều trị rối loạn hành vi ở trẻ em
Điều trị rối loạn hành vi ở trẻ em là điều cần thiết giúp trẻ không bị rối loạn chức năng khi bước vào tuổi trưởng thành. Trẻ cần được can thiệp và điều trị từ sớm.
Việc điều trị rối loạn hành vi cần được thực hiện sát sao với sự theo dõi của người thân và nhà trường. Do vậy, các bậc phụ huynh nên trao đổi trước với các thầy, cô giáo để nhận được sự phối hợp tốt nhất.
Các phương án điều trị hành vi có thể là:
- Điều trị với thuốc: kiểm soát các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.
- Thay đổi cách giao tiếp trong gia đình: tăng kết nối gia đình.
- Cho trẻ tham gia trị liệu nhận thức: giúp trẻ kiểm soát tốt hơn suy nghĩ và hành vi.
- Tham gia huấn luyện xã hội: giúp trẻ bổ sung các kỹ năng xã hội (trò chuyên, tương tác với người khác).
- Quản lý cơn giận dữ: xoa dịu hành vi hung hăng, tránh phát sinh các hành động nguy hiểm.
- Khuyến khích trẻ phát huy tài năng: giúp xây dựng lòng tự trọng của trẻ.
- Hỗ trợ từ nhà trường: giúp trẻ hòa nhập tốt hơn trong học tập, giao tiếp.
Cả gia đình tham gia chương trình cải thiện kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề giúp điều trị rối loạn hành vi hiệu quả
Rối loạn hành vi là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Do vậy, cần có sự quan tâm chăm sóc sát sao của phụ huynh, người bảo hộ khi trẻ bước vào giai đoạn "nổi loạn".
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị.
Để biết chính xác tình trạng bệnh lý người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.