Chỉ 4 tháng đầu năm 2025, toàn quốc ghi nhận hơn 40.000 ca nghi mắc sởi. Là đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm, mẹ bầu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
Sởi khi mang thai – Nguy cơ lớn cho cả mẹ và bé
Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Paramyxoviridae (thường gọi là vi - rút Sởi) gây ra, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Một số dấu hiệu nhận biết khi mắc sởi bao gồm: sốt cao, phát ban, nghẹt mũi, ho, hắt xì, khản tiếng và mệt mỏi.

Mắc sởi khi mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé.
Với người bình thường, bệnh sởi có thể dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm màng não, viêm kết mạc và các biến chứng về tiêu hóa. Với mẹ bầu, trong từng giai đoạn mang thai, bệnh sởi có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng:
- 3 tháng đầu (Tam cá nguyệt thứ nhất): Mắc sởi trong giai đoạn này có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng tăng cao do ảnh hưởng của virus sởi.
- 3 tháng giữa (Tam cá nguyệt thứ hai): Mặc dù nguy cơ dị tật thai nhi thấp hơn, nhưng việc nhiễm sởi vẫn có thể gây thai lưu hoặc sảy thai. Hệ miễn dịch suy giảm trong thai kỳ khiến mẹ bầu dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng hơn.
- 3 tháng cuối (Tam cá nguyệt thứ ba): Nguy cơ dị tật thai nhi giảm, nhưng tỷ lệ sinh non và thai chết lưu lại tăng cao. Hơn nữa, thai nhi có thể đối mặt với các vấn đề như viêm màng não cấp, dẫn đến điếc hoặc khuyết tật trí tuệ sau khi sinh.
Mẹ bầu bị sởi – Con có bị lây không?
BSCKI Tống Thị Vân (Khoa Sản Phụ khoa - BVĐK Hồng Ngọc) cho biết: “Sởi là bệnh truyền nhiễm có mức độ lây lan rất cao. Mặc dù không lây trực tiếp qua nhau thai, nhưng nếu mẹ mắc sởi sát thời điểm sinh, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ mắc sởi bẩm sinh hoặc bị lây nhiễm ngay sau khi chào đời, nguy cơ viêm phổi, viêm não cao hơn và sức đề kháng yếu hơn so với trẻ bình thường.”
.jpg)
Bác sĩ thăm khám và tư vấn sức khỏe cho thai phụ.
Làm gì khi mẹ bầu mắc sởi?
Khi không may mắc phải bệnh sởi trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thực hiện các bước sau để bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi:
- Thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, để được bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.
- Uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung chế độ dinh dưỡng cân đối để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể nhanh chóng phục hồi.
- Không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt hay kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
- Chú ý theo dõi tình trạng của thai nhi và thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, để nhận sự tư vấn và điều trị kịp thời.
Trong những ngày qua, Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc đã chủ động tư vấn cho các mẹ bầu về cách phòng tránh bệnh sởi, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh có xu hướng lây lan nhanh như hiện nay.
BSCKI Tống Thị Vân (Khoa Sản Phụ khoa - BVĐK Hồng Ngọc) cho biết: "Rất may mắn bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào mẹ bầu mắc sởi. Tuy vậy, chúng tôi tuyệt đối không chủ quan, bệnh viện cũng đã lên kế hoạch dự phòng và phối hợp liên chuyên khoa Sản - Nhi, sẵn sàng điều trị kịp thời nếu có trường hợp mẹ bầu mắc sởi, đảm bảo an toàn cho thai phụ cũng như thai nhi".
Đăng ký nhận tư vấn TẠI ĐÂY:
Làm thế nào để phòng tránh sởi khi mang thai?
.png)
Tiêm phòng sởi cần thực hiện trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh sởi:
- Tiêm phòng sởi trước khi mang thai ít nhất 3 tháng để tạo miễn dịch bảo vệ. Lưu ý: không nên tiêm vắc-xin MMR (vắc-xin phòng 3 bệnh : sởi, quai bị, rubella) khi đang mang thai.
- Thận trọng khi đến nơi đông người, đặc biệt là bệnh viện, trường học, khu vui chơi trẻ em. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng sốt, ho, phát ban.
- Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, sát trùng mũi họng thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng.
- Ăn uống khoa học, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng để tăng cường sức đề kháng.
Mẹ bầu cần nhớ rằng, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh! Hãy chủ động bảo vệ bản thân để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ và bé. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi, hãy đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời!